Bệnh tuyến giáp phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, thường gặp là cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), suy giáp, bệnh Hashimoto, bướu cổ... Dù không có cách đảm bảo tránh được bệnh tuyến giáp, nhưng một số thay đổi trong lối sống góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ăn ít đường và thực phẩm chế biến
Chế độ ăn nhiều đường và thực phẩm chế biến có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn. Nhóm thực phẩm này có thể phá vỡ quá trình sản xuất hormone tuyến giáp, thay đổi nồng độ hormone giáp khiến suy giáp và cường giáp khó kiểm soát.
Đường tinh luyện và thực phẩm chế biến kỹ dễ dẫn đến thay đổi hệ vi sinh đường ruột, gây viêm và tổn thương mô, tạo điều kiện cho độc tố và các chất khác xâm nhập vào cơ thể. Từ đó, khởi phát triệu chứng bệnh Graves và viêm tuyến giáp Hashimoto.
Tập thể dục
Vận động mỗi ngày có thể cải thiện chức năng tuyến giáp, ngăn ngừa bệnh tuyến giáp, tăng cường miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Mỗi người nên cố gắng tập thể dục 150 phút mỗi tuần hoặc nhiều hơn.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng khiến cơ thể tiết ra nhiều cortisol, làm giảm sản xuất hormone kích thích tuyến giáp (TSH), ảnh hưởng đến hoạt động của hormone giáp, tăng nguy cơ suy giáp. Kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày bằng cách ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, thực hiện các liệu pháp tâm trí và cơ thể như thiền định, yoga, thái cực quyền, bài tập hít thở sâu.
Tăng cường lợi khuẩn
Probiotic là vi khuẩn tốt (lợi khuẩn) có thể cải thiện sức khỏe tiêu hóa, tốt cho sức khỏe tuyến giáp. Do bệnh tuyến giáp và đường ruột có liên quan chặt chẽ với nhau. Lợi khuẩn thường có trong thực phẩm lên men như sữa chua, kim chi, dưa cải bắp, tương miso...
Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho sức khỏe. Ảnh:Bùi Thủy
Bỏ hút thuốc
Khói thuốc lá chứa các chất độc có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp. Một trong số đó là hợp chất thiocyanate, có thể làm gián đoạn quá trình hấp thụ iốt, ngăn chặn quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Người hút thuốc lá có nhiều khả năng mắc bệnh Graves hơn. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng về mắt của bệnh Graves, được gọi là bệnh lý hốc mắt Graves.
Cung cấp vitamin D
Vitamin D cần thiết cho chức năng bình thường của nhiều cơ quan, bao gồm tuyến giáp. Điều này là do vitamin D kích thích sản xuất enzyme deiodinase loại 2 (Dio2) cần thiết cho quá trình chuyển đổi T4 thành T3. Tuyến giáp tiết ra hai loại hormone quan trọng bao gồm thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Thiếu hụt vitamin D có thể làm tăng nguy cơ suy giáp ở một số nhóm người (trẻ em, thanh thiếu niên và người béo phì).
Giảm thiếu hụt vitamin D bằng cách dùng sản phẩm bổ sung theo chỉ định của bác sĩ hoặc tăng cường ăn thực phẩm như sữa, gan, trứng, cá béo, ngũ cốc...
Khám sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp, từ đó có phương pháp ngăn ngừa phù hợp. Bất kỳ bệnh tuyến giáp nào, kể cả ung thư tuyến giáp, được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, khả năng chữa khỏi cao hơn.
Anh Chi (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiếttại đâyđể bác sĩ giải đáp