TP HCM là địa phương thứ hai sau Hà Nội công bố đề minh họa thi vào lớp 10 công lập, kể từ năm 2025. Nhiều giáo viên đánh giá cấu trúc đề Toán, Văn, Tiếng Anh đều điều chỉnh so với những năm trước, thêm một số nội dung mới nhưng không gây sốc.
Cụ thể, đề thi Toán có 7 bài, giảm một, song có thêm nội dung về xác suất thống kê. Lý giải, cô Nguyễn Thị Phương Mai, giáo viên Toán, trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh, cho biết trong chương trình mới, học sinh được tiếp xúc với toán xác suất thống kê ngay từ lớp 6, tăng độ khó dần dần cho đến lớp 9. Do đó, bài toán dạng này sẽ không làm học sinh bất ngờ.
"Đề thi đòi hỏi học sinh phải biết tư duy, vận dụng thực tế. Nếu chỉ học Toán theo công thức rồi giải bài mẫu thì khó giải quyết đề này", cô Mai nhận định.
Phần toán thực tế được giữ ổn định với 3 bài. Cô Mai cho rằng tổ ra đề nên chọn những bài gần gũi và đặt câu hỏi rõ nghĩa, dễ hiểu với học sinh.
"Lâu nay học sinh gặp khó ở khâu đọc hiểu và tư duy các bài toán thực tế. Các em không hiểu tình huống thực tế nên không thể chuyển thông tin trong đề thành dạng phương trình toán học", cô Mai cho hay.
Học sinh dự thi vào lớp 10 tại TP HCM, tháng 6. Ảnh: Quỳnh Trần
Với môn Văn, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên trường THCS Nguyễn Du, quận 1, đánh giá cấu trúc đề và cách hỏi hợp lý. Ba phần Đọc hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học trong đề những năm trước đã được gộp lại còn hai phần nhưng nội dung kiến thức tương đương.
Điểm của phần Đọc hiểu được dành 50% cho văn bản văn học, còn lại cho các loại văn bản khác. Phần Nghị luận văn học chiếm 20% điểm số với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ.
Theo thầy Bảo, điều này cho thấy sự cân nhắc của Sở Giáo dục và Đào tạo trong thiết kế cấu trúc đề thi. Với môn Văn, học sinh được dạy rất nhiều vấn đề, không riêng nghị luận văn học. Trong khi đó, bài nghị luận văn học ít nhiều đòi hỏi học sinh có năng khiếu cũng như sự trải nghiệm. Nếu phần này chiếm tỷ trọng quá cao, đề thi không đảm bảo định hướng dạy học để phát triển phẩm chất và năng lực.
Điều mà thầy Bảo và nhiều giáo viên dạy Văn băn khoăn là định hướng chấm thi. Theo thầy, giáo viên hiểu rõ sách giáo khoa chỉ là tài liệu học tập, nhưng sự khác biệt ở ba bộ sách cũng dẫn đến những lo lắng nhất định. Do đó, thầy mong Sở công bố định hướng chấm thi để giáo viên nghiên cứu và lên kế hoạch hướng dẫn, ôn tập cho học sinh.
"Có một thực trạng là việc dạy phương pháp làm văn ở ba bộ sách giáo khoa không đồng nhất. Mỗi bộ có cách triển khai riêng cho từng dạng bài", thầy Bảo nói.
Tiếng Anh là môn ít thay đổi về cấu trúc đề thi, 70% số câu có dạng trắc nghiệm, còn lại là tự luận. So với những năm trước, đề minh họa năm 2025 tập trung đánh giá năng lực hiểu và vận dụng ngôn ngữ vào ngữ cảnh, tình huống thực tế, theo cô Hồ Thị Bích Ty, Tổ trưởng môn Tiếng Anh, trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh.
Điều này thể hiện rõ việc lồng ghép hỏi-đáp và kiến thức thực tiễn ở các câu hỏi trắc nghiệm. Ngoài ra, việc chọn ngữ liệu, nội dung của hai đoạn văn đọc hiểu, điền từ cũng mang tính thời sự và thực tế hơn.
Đề Văn - Đề Toán - Đề Tiếng Anh
2025 là năm lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới tốt nghiệp THCS. Các em học nhiều bộ sách giáo khoa, một số môn được tích hợp như Lịch sử - Địa lý, Khoa học Tự nhiên (Lý - Hóa - Sinh). Do đó, đề thi lớp 10 của các tỉnh, thành dự kiến có nhiều thay đổi để thích ứng.
Tại TP HCM, kỳ thi lớp 10 công lập thường diễn ra vào tháng 6 với ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Học sinh muốn vào lớp chuyên sẽ dự thi thêm môn tương ứng. Tỷ lệ học sinh đỗ trường công thường khoảng 70-80%.
Đề thi của thành phố nhiều năm được giới chuyên môn đánh giá cao vì không chỉ dừng ở việc kiểm tra kiến thức môn học mà chú trọng năng lực vận dụng, đọc hiểu, tư duy logic. Chẳng hạn, đề thi Toán năm nay yêu cầu học sinh tính diện tích khu vườn hay cách thuê pin xe điện cho tiết kiệm, tính mực nước trong thùng... Đề này khiến hơn 50% thí sinh bị điểm dưới trung bình môn Toán. Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng như vậy là phù hợp bởi đề thi tuyển sinh cần có độ phân hóa cao.
Lệ Nguyễn