Đến Việt Nam chữa bệnh

31/12/2024
|
0 lượt xem
Góc Nhìn Y Tế & Sức Khỏe
Đến Việt Nam chữa bệnh

Lấy bệnh lý tai nhỏ bẩm sinh làm ví dụ. Tai bình thường có kích thước khoảng 3 cm x 6 cm. Nhưng có bé không may sinh ra tai chỉ như hạt đậu, hạt lạc, thậm chí không có tai. Tỷ lệ dị tật này biến thiên tùy nước, rơi vào khoảng 1/4.000 tới 1/9.000 ca sơ sinh sống. Việt Nam mỗi năm ước tính có 150-200 ca mới.

Các cháu bị dị tật này thường mặc cảm, gặp rất nhiều khó khăn trong hòa nhập với trường lớp. Cha mẹ đều muốn các cháu được phẫu thuật để tạo hình lại tai. Tuy vậy, tạo hình tai là phẫu thuật thuộc dạng khó nhất trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Nhưng tôi có thể nói rằng trong lĩnh vực phẫu thuật tạo hình vành tai, Việt Nam là "cường quốc".

Năm 2012, chúng tôi tiếp nhập một ca bị cắt lìa tai. Khi bác sĩ hỏi tai đâu, người ta mới "tá hỏa" đi tìm trên bãi cỏ và may mắn đưa tới kịp trong thời gian vàng 6 tiếng để nối ghép lại. Đó là ca nối tai siêu vi phẫu đầu tiên của Việt Nam và là một trong năm ca đầu tiên thành công trên thế giới không hề có biến chứng gì sau mổ.

Vi phẫu nối cả động mạch và tĩnh mạch cho một vành tai đã đứt rời toàn bộ là rất khó và hiếm. Với những ca tai nạn nặng, phần tai đứt rời bị dập nát hoặc những ca dị tật bẩm sinh, lấy đâu tai cũ mà nối, bác sĩ buộc phải tiến hành tạo hình lại vành tai. Ngay cả trong lĩnh vực này, Việt Nam cũng đi đầu.

Tai có 15 tới 20 gờ lồi lõm khác nhau. Về mặt cấu tạo, vành tai có lớp sụn trắng rất mỏng bên trong, che phủ bằng tổ chức dưới da màu hồng, và trên đó là lớp da mỏng bên ngoài dẻo dai. Tạo hình tai phải làm được khung sụn 3D thanh mảnh nhưng chắc chắn trước khi đặt lớp da mỏng ở trên. Da dầy quá không làm nổi gờ tai, da mỏng khung sụn dễ phòi ra ngoài, bị thối. Bác sĩ làm không khéo là tai dễ ra giống củ khoai tây hay mộc nhĩ. Tai vẫn có hệ thống mạch máu nhỏ chỉ bằng một phần ba que tăm, bác sĩ phải phóng lên kính siêu hiển vi để nối khâu bằng những sợi chỉ bằng 1/10 sợi tóc. Làm tai khó tới mức Hiệp hội Phẫu thuật tai của cả thế giới chỉ có khoảng hai tới ba trăm phẫu thuật viên.

Theo cách cũ, các bác sĩ trên khắp thế giới dùng sụn sườn tự thân của bệnh nhân để làm tai. Bác sĩ phải tiến hành từ hai tới bốn lần mổ mới xong, trải qua các quá trình như khoét lấy sụn sườn, điêu khắc thành khung sụn tai, cấy xuống dưới da, dựng tạo hình tai, cho tới chỉnh sửa thêm gờ và dái tai. Việc lấy sụn sườn làm tai có thể gây biến chứng, tràn máu khí màng phổi hoặc đau đớn nhiều sau mổ. Các cháu cũng phải chờ ít nhất tới 10 đến 12 tuổi mới đủ khung sụn để thực hiện.

Ở Việt Nam hiện nay, chúng tôi sử dụng phương pháp mới của Mỹ, tạo hình vành tai chỉ với một lần mổ duy nhất bằng khung sụn nhân tạo. Trẻ có thể được mổ từ 4 tuổi. Tuy vậy, đây là kỹ thuật đặc biệt khó. Hiện chỉ có hai tới ba trung tâm trên thế giới làm được, trong đó có Việt Nam, vì mấu chốt là phải lấy được lớp cân thái dương mỏng nhưng dai chắc và bảo tồn được toàn bộ nhánh mạch máu nhỏ xíu trong tổ chức cân này.

Việt Nam làm được do kinh nghiệm phẫu thuật nhiều ca bệnh bằng vi phẫu và nội soi. Tạo hình vành tai chỉ với một lần mổ duy nhất có nội soi hỗ trợ thì chỉ có Việt Nam và Mỹ làm được.

Bệnh nhân ở khắp thế giới muốn mổ theo cách mới này đều phải sang Mỹ với chi phí khoảng 100.000 USD. Các nước xung quanh Việt Nam như Singapore, Hàn Quốc vẫn tiếp cận theo cách cũ. Cha mẹ muốn cho con mình đi nước ngoài tạo hình dị tật bẩm sinh ở tai, tốn 2-3 tỷ đồng. Nhiều bệnh viện lớn của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pháp, Đức, Thụy Sỹ đều mời chúng tôi sang mổ tai hoặc cử đoàn sang Việt Nam học hỏi.

Việt Nam làm được những điều kỳ diệu nhưng bệnh nhân quốc tế không biết rằng nên đến Việt Nam để mổ.

Không chỉ trong phẫu thuật tai, nhiều lĩnh vực y khoa, Việt Nam đã tiệm cận trình độ cao nhất của thế giới. Băn khoăn thật sự của tôi là tại sao bệnh nhân nước ngoài không biết tới Việt Nam để can thiệp. Về mặt kỹ thuật, các ca mổ của bác sĩ Việt Nam có thể đạt kết quả gần tương đương như phẫu thuật tại các nước tiên tiến nhất, với chi phí chỉ bằng 25 đến 30% của họ, dù đây đều là những ca mổ dài và khó.

Việt Nam hoàn toàn có thể đã là một trung tâm mạnh của y khoa thế giới, giúp thu nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước. Vấn đề là danh tiếng của y tế Việt Nam chưa tương xứng với trình độ thực. Nước ngoài có xu hướng nghĩ Việt Nam là nước đang phát triển, trình độ y học chưa cao, cơ sở vật chất, dịch vụ không tốt.

Nhưng y tế Việt Nam đã cải thiện mạnh trong những năm gần đây. Bệnh viện công đã mở khoa quốc tế có dịch vụ tốt hơn. Nhiều bệnh viện tư cố gắng đầu tư để đạt chuẩn quốc tế về chất lượng dịch vụ và chú trọng hợp tác, mời các chuyên gia, bác sĩ viện công đến hỗ trợ, chuyển giao nhiều kỹ thuật công nghệ mới. Gần đây không chỉ viện công nơi tôi làm việc, mà một bệnh viện quốc tế tư nhân đã nhận được chứng chỉ đạt chuẩn năng lực toàn cầu của Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh (RCS). Một số bác sĩ Việt Nam, trong đó có tôi, cũng được công nhận là giảng viên toàn cầu của tổ chức phẫu thuật uy tín nhất thế giới này. Những cố gắng này có lẽ còn chưa đủ, mới góp phần nhỏ giữ chân một số người bệnh trong nước. Số người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh còn chưa cao. Một phần vấn đề nằm ở công tác quảng bá cho y tế Việt Nam.

Từ góc độ quốc gia, Việt Nam có những điều kiện để trở thành một trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao, thực hiện những ca phẫu thuật khó nhất cho bệnh nhân nước ngoài. Bài toán bây giờ là truyền thông tốt hơn để bệnh nhân quốc tế biết tới năng lực thực hiện những ca phẫu thuật từ đơn giản đến phức tạp nhất với chất lượng dịch vụ cao, chi phí hợp lý.

Hiện nay, chỉ nhóm nhỏ những nhà phẫu thuật hàng đầu quốc tế biết được năng lực của bác sĩ Việt Nam. Danh tiếng của Việt Nam trong phẫu thuật tai và nhiều mảng y khoa khác sẽ được nhiều "đôi tai" trên thế giới lắng nghe nếu ngành y tế thực hiện truyền thông bài bản hơn ra quốc tế. Quá trình phối hợp giữa bệnh viện công và bệnh viện tư để cùng nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng dịch vụ cần đi kèm phát triển truyền thông. Sự cộng hưởng này sẽ giúp ngành y tế Việt Nam đón nhận những cơ hội nhiều ý nghĩa.

Nguyễn Hồng Hà

Tin liên quan
Tin Nổi bật