Theo AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới), chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội sáng nay vượt ngưỡng đỏ, trên 150. Khoảng 12h, AQI vượt lên 206, rất nguy hiểm (0-50 là chỉ số tốt). Đây là mức ô nhiễm có hại cho sức khỏe người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Trong buổi sáng, nồng độ bụi mịn PM2.5 (hạt bụi có kích thước bằng 1/30 sợi tóc) tại Hà Nội cao gấp 16 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến 12h, nồng độ PM2.5 là 130,3 µg/m³, cao gấp 26 lần (mức tím, rất không tốt cho sức khỏe). Đây là ngày mức độ nhiễm bụi mịn mức cao nhất trong 4 ngày từ 4-7/10. Nồng độ bụi mịn PM10 cũng đạt mức cao nhất, là 119,5 µg/m3.
Cùng thời điểm, hệ thống quan trắc không khí PAM Air - Mạng lưới theo dõi chất lượng không khí thực tế phủ khắp 63 tỉnh thành Việt Nam - cũng ghi nhận nhiều điểm tại thủ đô có chỉ số AQI màu đỏ, cam (mức không tốt cho sức khỏe).
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết vài ngày nay chất lượng không khí luôn ở mức báo động, gây hại sức khỏe nhưng không kéo dài quá lâu, chỉ khoảng 4-5 tiếng, thường vào giữa trưa hoặc buổi đêm. Nguyên nhân là thành phố đang bước vào mùa ô nhiễm, tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm, chưa có biện pháp khắc phục triệt để.
Theo ông Tùng, vào mùa hè, thời tiết có nhiều nắng, gió, mưa tạo điều kiện cho việc khuếch tán không khí. Sự xuất hiện của khói bụi vào mùa đông chủ yếu do lặng gió, ít mưa kèm theo những ngày nghịch nhiệt với lớp sương mù dày đặc làm giảm khuếch tán của không khí, khiến các chất ô nhiễm quẩn quanh ở tầm thấp, không được rửa trôi.
Ngoài ra, từ đêm 6/10, không khí lạnh tăng cường nên miền Bắc tiếp tục kiểu trời nắng hanh, độ ẩm không khí thấp (40%), cũng có thể là yếu tố khiến chất lượng không khí giảm. "Người dân nên cập nhật và theo dõi tình hình không khí chặt chẽ, hàng giờ để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình", ông Tùng nói.
Mức độ nhiễm bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội đạt mức cao nhất trong 4 ngày từ 4-7/10. Ảnh: Iqair.com
Bác sĩ Cao Minh Thành, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyến cáo ở mức không khí này, một số nhóm người nhạy cảm có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe nếu không có các biện pháp phòng ngừa. Chẳng hạn, người sức đề kháng kém, dễ bị ốm cảm, như người già, phụ nữ có thai, trẻ em và người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch cần cẩn trọng. Nhóm bệnh nhân bị hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm mũi xoang mạn tính cũng có nguy cơ.
Chuyên gia khuyên mọi người cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi họng hàng ngày. Đeo khẩu trang khi ra đường. Không nên tập thể dục vào sáng sớm hay giữa trưa. Bổ sung thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu.
WHO nhận định ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, bệnh nhân bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.
Thùy An