Lái ôtô về Bắc ăn Tết, tốn 8 ngày và hơn chục triệu tiền khách sạn

05/01/2025
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Lái ôtô về Bắc ăn Tết, tốn 8 ngày và hơn chục triệu tiền khách sạn

"Những người thuê ôtô liệu có kinh nghiệm lái xe đường dài? Mọi thứ đều có giá của nó. Đi máy bay tuy đắt hơn nhưng tiết kiệm thời gian và giảm tỷ lệ rủi ro. Trong khi đó, đi ôtô lại mất nhiều thời gian hơn, rủi ro cao hơn, chưa kể hàng loạt chi phí phụ như phí qua trạm BOT, ăn uống dọc đường, thuê nhà nghỉ, sửa chữa xe...

Và cuối cùng là ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Với cá nhân tôi, nếu đi du ngoạn, tôi sẽ chọn ôtô để trải nghiệm. Nhưng nếu để về quê nhà ăn Tết, tôi sẽ ưu tiên máy bay hoặc tàu hỏa".

Độc giả Long, Nguyen Phi nhận định và nêu quan điểm như trên, trước việc một số độc giả chia sẻ kế hoạch thuê ôtô tự lái, vượt đường Bắc Nam để về quê ăn Tết. Bình luận được chia sẻ sau bài viết Tôi thuê ôtô tự lái vì tiền vé máy bay về Tết tốn 30 triệu, với mục đích 'một gia đình từ 4-6 người, chi phí tự lái xe từ TP HCM ra Hà Nội rẻ hơn nhiều so với đi máy bay hoặc tàu hỏa'.

Bài viết nhận được nhiều quan tâm và thảo luận của độc giả VnExpress. Đa số cho rằng thuê ôtô tự lái Bắc Nam nhiều rủi ro, chi phí tính có thể đúng, nhưng chưa đủ.

Độc giả mocmien9911 chia sẻ kinh nghiệm: "Hồi Tết vừa qua, gia đình tôi cũng lái xe từ Nam ra Bắc ăn Tết. Hành trình mất bốn ngày để về đến nhà. Nhiều người chỉ tính tiền xăng xe, cầu đường mà quên cộng thêm các chi phí ăn uống, khách sạn trong suốt chuyến đi.

Đi quốc lộ, ăn uống dọc đường thường đắt đỏ. Gia đình tôi có ba người lớn và một trẻ em, phải thuê hai phòng khách sạn mỗi ngày, chi phí trung bình từ 1,5 đến hai triệu đồng một ngày. Đi cả đi lẫn về là tám ngày, nên tiền khách sạn cũng không nhỏ.

Thực sự, lái xe ôtô cá nhân là để trải nghiệm, chứ không hề rẻ hơn đi máy bay".

Cùng chung nhận định, độc giả nickname hoangkim30791 nói: "Tác giả bài viết dường như không thường xuyên tự lái xe về quê, nên việc lạ đường khiến tốc độ di chuyển không nhanh.

Gần Tết, lượng xe lưu thông tăng cao, chưa kể tình trạng kẹt xe hay tai nạn xảy ra thường xuyên. Hơn nữa, cần phải dừng lại nghỉ ngơi, nên khó lòng về nhà trong hai ngày như dự tính.

Theo tôi, hành trình từ Nam ra Bắc ít nhất phải mất bốn ngày, tính cả đi lẫn về là tám ngày. Với lịch nghỉ Tết chỉ 9 ngày, vừa về đến nơi đã phải chuẩn bị quay lại làm việc.

Thuê xe tự lái cũng cần tính đến các yếu tố như: rủi ro tai nạn đường dài, phí qua các trạm BOT, không quen đường có thể làm chậm hành trình, chi phí ăn uống đắt đỏ dọc đường, xe có thể hỏng hóc bất ngờ...

Nếu chỉ có một người lái, liệu có chịu nổi suốt mấy ngày dài? Tôi từng đi xe giường nằm từ Sài Gòn lên Đà Lạt, chỉ nằm thôi mà đã rất mệt. Vì vậy, lái xe xuyên Việt thực sự là thử thách lớn, không hề đơn giản như dự tính".

Là người có kinh nghiệm, độc giả vuongnghi88hd thẳng thắn:

"Tôi đã nhiều lần lái xe từ Cần Thơ ra Hải Dương, cả vào dịp Tết lẫn ngày thường. Theo kinh nghiệm của tôi, không nên tự lái xe vào ngày Tết. Đường đông đúc, nhiều tài xế thiếu kinh nghiệm, rất nguy hiểm.

Thêm vào đó, chi phí thuê xe ngày Tết rất cao, cộng với xăng dầu, phí cầu đường, đôi khi còn đắt hơn cả đi máy bay nếu đặt vé sớm. Chưa kể, sau khi về đến nơi, nếu nhận thêm vài vé phạt nguội thì đúng là 'ối dồi ôi'".

Với những độc giả chọn thuê ôtô tự lái để trải nghiệm hơn là tiết kiệm chi phí, độc giả Hoang An đưa lời khuyên:

"Trong chuyến đi Bắc - Nam vừa rồi, gia đình tôi cũng về quê ăn Tết. Hai vợ chồng xác định tinh thần: đi khi nào đến cũng được, không đặt mục tiêu phải chạy được bao nhiêu km mỗi ngày. Kết quả, hành trình đi mất hai ngày, còn chiều về là ba ngày. Chúng tôi chọn đi toàn cao tốc và quốc lộ, trên đường về thì thong thả hơn, ghé qua một số cung đường ven biển đẹp.

Gia đình tôi từng tự lái xuyên Việt một lần, ngoài ra còn nhiều chuyến đi miền Trung, Tây Nguyên, và Duyên hải. Nếu có hai vợ chồng thay nhau lái, chỉ cần nghỉ một đêm trên đường.

Những gia đình ít người có thể ngủ trên xe để giảm chi phí. Nếu sử dụng ô tô điện, việc ngủ trên xe cũng không lo ngại khí CO. Trên hành trình, ngắm cảnh hai bên đường là một trải nghiệm đáng giá. Chỉ khi thực sự đi xuyên Việt, bạn mới thấy đất nước mình có quá nhiều cảnh đẹp: từ những con đường ven biển tuyệt vời đến các cung đường núi Tây Nguyên kỳ vĩ.

Chuẩn bị kỹ lưỡng là yếu tố quan trọng: bảo dưỡng xe trước chuyến đi, tuân thủ tốc độ, biển báo giao thông, và vạch kẻ đường. Khi đó, chi phí thực sự chỉ còn tiền xăng, tiền sạc điện và phí cầu đường mà thôi".

Thời gian này mọi năm, nhiều chặng bay đã hết vé từ sớm. Nhưng khảo sát năm nay cho thấy lượng dồi dào, chỉ một vài chặng bay trong ngày cao điểm mùng 4 và 5 tháng Giêng Âm lịch mới ghi nhận tình trạng hết vé tạm thời.

Các đường bay "vàng" như TP HCM - Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh vẫn còn vé với giá khứ hồi dao động từ 5,7 đến 7,4 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí). Các tuyến đi miền Trung như TP HCM - Chu Lai, Huế, Đồng Hới chỉ hết vé trong ngày mùng 4, 5 Tết (1 và 2/2).

*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viếtkế hoạch về quê ăn Tếtvề địa chỉ email: [email protected] hoặc ấn vào box bên dưới.

Hữu Nghị tổng hợp

Tin liên quan
Tin Nổi bật