Người chăm sóc thú ở Vườn Xoài: 'Hổ lờ đờ rồi chết rất nhanh'

31/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự
Người chăm sóc thú ở Vườn Xoài: 'Hổ lờ đờ rồi chết rất nhanh'

Anh Phúc là người trực tiếp chăm sóc, điều trị hổ ở Khu du lịch Vườn Xoài, TP Biên Hòa. Anh cho biết đàn hổ nhập từ Nam Phi chỉ có vài con, sau đó sinh sôi, đến nay tới 42 con. Bảy năm qua, vườn không có nhập hổ từ nước ngoài.

Cơ quan chức năng kiểm tra vườn nuôi hổ ở Vườn Xoài, sáng 2/10. Ảnh: Phước Tuấn

Đàn hổ được nuôi nhốt trong khuôn viên rộng khoảng 5.000 m2, hàng ngày nhân viên cho ăn gà (đầu gà, ức gà, gà nguyên con) mua từ bên ngoài. Hôm 6/9, họ phát hiện một số con bỏ ăn, đi lại yếu và sổ mũi. Bác sĩ thú y của khu du lịch tăng cường điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng virus nhưng nhiều hổ (trọng lượng từ 25 đến 200 kg) vẫn chết, chỉ vài con khỏe trở lại.

"Hổ chết rất nhanh, một số con có dấu hiệu lờ đờ rồi bỏ ăn hai ngày là chết, chúng tôi trở tay không kịp", anh Phúc nói, cho biết ngày 8/9, có 4 hổ chết, đến nay toàn vườn thú có 20 hổ, một con báo chết. Hiện xác của chúng được khu du lịch bảo quản trong thùng container đông lạnh. Do container quá tải, khu du lịch đang kiến nghị cơ quan chức năng sớm có quyết định xử lý.

Ông Ngô Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Khu du lịch Vườn Xoài, cho biết sau khi thú chết, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai phối hợp Trạm Thú y Biên Hòa mổ khám, lấy mẫu đại diện của hai hổ và một con báo. Kết quả chẩn đoán của Trạm Thú y Biên Hòa là "kiểm tra lâm sàng và bệnh tích nghi viêm phổi có dịch".

Ngày 10/9, công ty lấy mẫu bệnh phẩm của hổ kiểm tra tại phòng xét nghiệm Medlatec Đồng Nai. Từ kết quả phân tích, bác sĩ thú y nhận định một số nguyên nhân hổ chết, như: bạch cầu tăng cao, nhiễm khuẩn do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng; creatinine máu gấp 10 lần bình thường dẫn đến suy thận và tim, sung huyết do nhiễm khuẩn cấp. Tại phòng khám thú y khác, kết quả xét nghiệm cho ra mẫu dương tính FPV gây bệnh viêm ruột truyền nhiễm và FCV gây bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Theo ông Sang, công ty đã cho dọn dẹp vệ sinh, sát trùng thường xuyên toàn bộ chuồng trại, đồng thời điều trị tích cực cho những con đang bệnh. Hiện khu du lịch vẫn chưa biết nguyên nhân cụ thể, giải pháp hiện nay vẫn cách ly, điều trị.

Hổ được nuôi nhốt ở Khu du lịch Vườn Xoài, sáng 2/10. Ảnh: Phước Tuấn

Ngày 2/10, Chi cục Thú y vùng VI (Cục Thú y) phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã đến khu du lịch kiểm tra chuồng trại, lấy mẫu các hổ chết. Đại diện Chi cục Thú y vùng VI cho rằng phải chờ kết quả xét nghiệm mới biết nguyên nhân để ra phương án xử lý phù hợp. Tuy nhiên một số chuyên gia trong đoàn đánh giá đây là sự việc mới xảy ra trên động vật hoang dã trong nước, tại nước ngoài từng ghi nhận ở bò, hải cẩu, mèo...

Hiện một số nguồn gốc có thể phát sinh bệnh như khu vực nuôi gà gần chuồng hổ hay thức ăn gà được mua từ bên ngoài về... được nhà chức trách tìm hiểu kỹ.

30 người ở Khu du lịch Vườn Xoài tiếp xúc số hổ chết đã được kiểm tra dịch tễ. Hiện mọi người sức khỏe bình thường, chưa ghi nhận triệu chứng viêm đường hô hấp.

Cách đó gần 70 km, tại vườn thú Mỹ Quỳnh, huyện Đức Hòa (Long An) cũng xảy ra tình trạng 27 hổ và 3 sư tử đột nhiên chết, từ tháng 8 đến 16/9. Trong số hổ chết ở đây, có ba con mua của Khu du lịch Vườn Xoài, đưa về ngày 6/8. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Long An xác định số hổ này không có giấy kiểm dịch động vật khi chuyển ra khỏi Đồng Nai. Sau khi xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp) phát hiện mẫu bệnh phẩm hổ lấy ở vườn có kết quả dương tính virus H5N1.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cho biết báo cáo sơ bộ từ vườn thú Mỹ Quỳnh, vụ thú chết gây thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Sau khi tiêu hủy số động vật chết, hiện vườn thú còn 14 hổ vàng, 7 hổ trắng, 8 sư tử và một báo đốm khỏe mạnh, nhốt khu vực riêng, tiêu độc khử trùng hàng ngày.

Hổ được thả nuôi trong môi trường bán hoang dã ở Vườn thú Mỹ Quỳnh, Long An. Ảnh: Hoàng Nam

Ngành nông nghiệp Long An yêu cầu vườn thú không được nhập, xuất động vật ở toàn bộ khu nuôi có thú chết. Vườn thú cần trang bị đồ bảo hộ cho nhân viên chăm sóc, hạn chế cho người tiếp xúc với động vật...

"Đây là trường hợp khá hy hữu vì từ trước đến nay chưa có tiền lệ cúm A/H5N1 lây nhiễm sang động vật hoang dã, đặc biệt là các loài mèo lớn như hổ và sư tử", bà Khanh nói và cho biết cơ quan chức năng đang điều tra dịch tễ, chưa rõ nguồn lây nhiễm của ổ dịch.

Vườn Xoài và Mỹ Quỳnh là hai khu du lịch lớn, thu hút đông khách. Do vậy việc động vật nuôi ở đây chết hàng loạt gây lo ngại về dịch bệnh, nhất là mẫu xét nghiệm hổ ở vườn Mỹ Quỳnh phát hiện virus A/H5N1. Cục Thú y đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp địa phương khẩn trương truy vết, xác định nguyên nhân, sớm xử lý và dập dịch ở vườn thú, không để lan rộng.

Hiện, cơ sở muốn nuôi hổ phải có giấy phép do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp cấp, chuồng trại phải đảm bảo điều kiện, an toàn. Khi hổ chết, cơ sở tiêu huỷ hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý theo quy định pháp luật.

Phước Tuấn - Hoàng Nam

Tin liên quan
Tin Nổi bật