Nhật Bản sợ mất sức hút với lao động Đông Nam Á

29/12/2024
|
0 lượt xem
Đời Sống Nhịp Sống
Nhật Bản sợ mất sức hút với lao động Đông Nam Á

Anh là nhân viên trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở TP Hamamatsu, tỉnh Shizuoka. Mức lương 80.000 yen (840 USD) một tháng nhưng anh trích 560-630 USD gửi về gia đình ở Philippines.

Nhưng số tiền này ngày càng trở nên ít đi khi đồng yen giảm sâu, không chỉ so với USD mà còn với đồng peso của Philippines. Anh tiết kiệm tối đa bằng cách ăn hai bữa đạm bạc mỗi ngày, ở trong ngôi nhà ẩm thấp cách nơi làm việc ba phút đi bộ. Mùa hè nóng bức, ẩm ướt nhưng anh chỉ dám bật điều hòa 30 phút trước khi ngủ.

Người đàn ông Philippines lau dọn trung tâm chăm sóc người già ở TP Hamamatsu, tỉnh Shizuoka, tháng 7/2024. Ảnh: Mainichi

Ba năm trước, 80.000 yen gần gấp đôi mức lương trung bình hàng tháng ở Philippines. Kể từ đó, giá trị đồng yen đã giảm khoảng 15%.

"Nhật Bản khác xa hình dung của tôi", anh nói. Quốc gia này đang đối mặt với tỷ lệ sinh thấp và dân số già gây ra tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng, lực lượng nhập cư gia tăng.

Theo khảo sát của Bộ Lao động nước này số lượng lao động nước ngoài tính đến tháng 10/2023 khoảng hai triệu người, chiếm hơn 3% tổng lực lượng lao động ở Nhật Bản. Hơn 318.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang phải thuê lao động nước ngoài, chiếm 6% tổng số. 550.000 lao động nước ngoài làm việc trong ngành công nghiệp, 260.000 trong ngành bán buôn và bán lẻ và 230.000 ngành lưu trú, dịch vụ thực phẩm, hỗ trợ.

Trong khi Nhật trải qua giai đoạn giảm phát dẫn đến tình trạng lương và giá cả đều thấp thì các nước Đông Nam Á tăng lương do sự phát triển kinh tế.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản cho rằng nếu mức lương ở Nhật Bản không còn cao gấp đôi mức lương ở quê họ, lao động nước ngoài sẽ mất động lực di cư bởi lợi ích tài chính không còn hấp dẫn.

Họ dự kiến công nhân Indonesia đến Nhật Bản sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, Thái Lan năm 2031 và Việt Nam là năm 2032 sau đó giảm dần.

Một người đàn ông 32 tuổi, người Indonesia đã làm việc ở nhà máy gia công Hamamatsu. Với mức lương tương đương 1.300 USD, anh đã gửi khoảng 700 USD về cho cha mẹ, vợ và hai con nhỏ.

Anh nói Nhật là nơi dễ sống nhưng những công nhân Indonesia như anh đang thấy Australia và Ba Lan hấp dẫn hơn. Trong số 95 công nhân ở công ty anh, có 20 người Indonesia. Giám đốc nói trong 5 năm qua, họ không nhận được đơn ứng tuyển nào từ người Nhật Bản, kể cả khi nhiều phúc lợi hấp dẫn được đưa ra.

Giáo sư Yoko Tateoka thuộc trường Đại học Waseda ở Tokyo, chỉ ra rằng việc đối xử bất hợp lý với lao động nước ngoài đã không còn chấp nhận được trong thời đại hiện nay.

"Nếu doanh nghiệp không tạo ra văn hóa công ty khác đi, tỷ lệ lao động nước ngoài rời khỏi Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng", bà cảnh báo.

Ngọc Ngân (Theo Mainichi)

Tin liên quan
Tin Nổi bật