Hà Giang là một trong những địa phương ở miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng của đợt mưa lũ kéo dài tuần vừa qua. Vụ sạt lở tại huyện Bắc Quang tính đến ngày 1/10 đã làm ít nhất 4 người thiệt mạng và 2 người mất tích. Nhiều đoạn đường đi lại trong tỉnh và từ Hà Nội lên bị gián đoạn hoặc khó khăn trong di chuyển.
Ông Đặng Quốc Sử, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Hà Giang, cho hay quốc lộ 2 đoạn km51 sạt lở khiến ôtô di chuyển chậm, xe máy đi lại bình thường. Đoạn đường đang được tích cực xử lý và thông xe hoàn toàn trong ngày 2/10.
Sạt lở ở khu vực đèo Mã Pì Lèng ngày 1/10. Ảnh: Mạnh Tour
Tại khu vực đèo Mã Pì Lèng, đoạn Quốc lộ 4C, km156, ngày 1/10 khó di chuyển vì "nước xối xả từ trên cao". Mưa lớn hôm 28/9 khiến đất đá sạt lở xuống đường, gây ngập, không thể xuống sông Nho Quế. Hiện tuyến đường từ chân đèo đến cửa khẩu phía huyện Mèo Vạc bị chia cắt. Ngoài ra, đường phía huyện Hoàng Su Phì tắc cục bộ.
Theo ông Sử, vì ảnh hưởng của vụ sạt lở này, các hoạt động du lịch trên sông Nho Quế không thể thực hiện. Du khách được khuyến cáo đứng từ trên cao ngắm sông. Một số điểm du lịch khác thuộc Cao nguyên đá đi lại khó khăn.
"Sẽ mất khoảng một tuần để khắc phục hoàn toàn sự cố ở khu vực này", ông Sử cho hay.
Trên diễn đàn du lịch Hà Giang có hơn 260.000 thành viên, nhiều du khách cho biết "phân vân" với các chuyến đi vào cuối tuần này.
"Nhóm chúng tôi gồm 5 người dự tính nghe ngóng thêm 1-2 ngày nữa rồi mới quyết định. Vì cả nhóm đi theo dạng tự túc, chưa đặt phòng khách sạn và các dịch vụ nên có thể chủ động", chị Minh Trang, Hà Nội, cho hay.
Đại diện Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh cho hay đã trao đổi với các công ty du lịch, thông báo tình hình tại địa bàn để chủ động điều phối tour. Với khách du lịch tự túc, Trung tâm khuyên du khách theo dõi dự báo thời tiết cũng như tìm hiểu kỹ địa bàn. Ngoài ra, Sở Du lịch tỉnh cũng phối hợp với các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ giảm giá hoặc đón các trường hợp khách bị mắc kẹt.
Hiện tất cả các điểm du lịch ở Hà Giang đều mở cửa, các hoạt động du lịch không bị dừng. Cột cờ Lũng Cú, các làng văn hóa du lịch cộng đồng như Lô Lô Chải vẫn hoạt động bình thường.
"Làm du lịch nhiều năm nhưng đây là lần đầu tôi thấy thời tiết bất thường thế này, khiến du lịch bị ảnh hưởng. Thông thường cuối tháng 9, trời mát mẻ, khô ráo và du khách rất đông", ông Sử cho biết, thêm rằng những người làm du lịch ở Hà Giang đều mong du khách an toàn và hy vọng thời tiết sớm tốt lên.
Theo dự báo, thời tiết khu vực phía Bắc từ nay đến hết cuối tuần sau (13/10) sẽ không có mưa, trời nắng. "Với thời tiết này, việc khắc phục hậu quả của lũ lụt và sạt lở sẽ nhanh hơn", ông Sử cho hay.
Tại một số điểm miền núi phía bắc khác như Mù Cang Chải (Yên Bái) hay Sa Pa (Lào Cai), theo ghi nhận từ cơ quan chức năng và một số hướng dẫn viên du lịch, hoạt động du lịch diễn ra bình thường. Thời tiết hai ngày nay đẹp, không có mưa.
Mùa du lịch Hà Giang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung thường sôi động từ khoảng cuối tháng 9 đến tháng 1 năm sau. Tháng 9-10 là mùa lúa chín, tháng 11-12 là mùa hoa tam giác mạch, dịp Tết Âm lịch các loại hoa đào, mơ mận nở rực rỡ.
Tâm Anh