Trả lời:
Phì đại tuyến tiền liệt lành tính là tình trạng phổ biến ở nam giới trên 50 tuổi, song diễn tiến ung thư tuyến tiền liệt không phải ai cũng gặp phải. Hai diễn tiến này khác nhau và có thể xảy ra song song. Có trường hợp người bệnh vừa bị phì đại lành tính tuyến tiền liệt vừa ung thư. Hiện chưa có bằng chứng chứng minh phì đại lành tính tuyến tiền liệt sẽ chuyển sang ác tính.
Phì đại tuyến tiền liệt thường gây ra các vấn đề như bí tiểu, tiểu khó, tiểu đêm, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu, tiểu không hết, tia tiểu yếu. Các tình trạng này ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, hạn chế các hoạt động thể thao, khiến người bệnh khó ngủ hoặc ngủ không trọn giấc.
Trường hợp phì đại tuyến tiền liệt không ảnh hưởng đến niệu đạo chỉ cần theo dõi, khám định kỳ và thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục, sinh hoạt điều độ, hạn chế uống rượu bia và các chất kích thích. Nếu tình trạng nặng, bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa. Khi có biến chứng tăng sinh tuyến tiền liệt, người bệnh được chỉ định điều trị ngoại khoa bằng nhiều phương pháp như laser, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở. Bạn nên đi khám và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ.
Theo dữ liệu năm 2022 của Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới (World Cancer Research Fund), tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt xếp thứ 4 toàn cầu. Ung thư tuyến tiền liệt rất khó nhận biết triệu chứng ở giai đoạn đầu. Khi khối u phát triển đủ lớn và gây áp lực lên niệu đạo, người bệnh xuất hiện một số triệu chứng như đau lưng, đau hông, đau vùng khung chậu, giảm cân không rõ nguyên nhân, tiểu bất thường (tiểu có lẫn hồng cầu, tiểu rắt, bí tiểu hoặc tiểu về đêm), táo bón, dương vật khó cương cứng, có cảm giác bàng quang chưa được làm rỗng hoàn toàn...
Có 4 giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt. Tùy từng giai đoạn, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt tận gốc, liệu pháp hormone, xạ trị, hóa trị... Để phòng ngừa các bệnh lý về tuyến tiền liệt, nam giới, nhất là sau tuổi 50, cần theo dõi sức khỏe và đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường. Phòng bệnh bằng cách bổ sung một số thực phẩm màu đỏ, tăng cường ăn rau củ, trái cây như cà chua. Người bệnh nên bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục thường xuyên và sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.
Bác sĩ CKI Phan Huỳnh Tiến ĐạtKhoa Tiết niệu Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp