Chiều 12/11, với gần 89% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội.
Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%, cao hơn kế hoạch và tương đương mức phấn đấu thực hiện năm nay của Chính phủ, là trên 7%. Lạm phát kiểm soát ở mức 4,5%.
Thảo luận trước đó, một số ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ lại các chỉ tiêu tăng GDP để đặt kế hoạch mức tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khi báo cáo tiếp thu, giải trình cho hay, dự báo tình hình kinh tế thế giới năm sau còn diễn biến phức tạp. Kịch bản GDP được Chính phủ đưa ra trên cơ sở tính toán các yếu tố thuận lợi, khó khăn và đảm bảo kinh tế phục hồi, phát triển bền vững.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành linh hoạt và mở rộng hợp lý, có trọng điểm.
"Chính phủ cần nghiên cứu tận dụng dư địa về nợ công, nợ chính phủ, bội chi để huy động thêm nguồn lực cho phát triển", Nghị quyết nêu.
15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025 Quốc hội giao:
STT Chỉ tiêu Kế hoạch 1 GDP 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5% 2 GDP bình quân đầu người 4.900 USD 3 Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP 24,1% 4 Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 4,5% 5 Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội 5,3-5,4% 6 Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội 25-26% 7 Tỷ lệ lao động qua đào tạo 70%, có bằng cấp 29-29,5% 8 Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 4% 9 Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,8-1% 10 Số bác sĩ trên 10.000 người 15 11 Số giường bệnh trên 10.000 người 34,5 12 Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế 95,15% 13 Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80,5-81,5% 14 Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị 95% 15 Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn 92%Trong lĩnh vực đầu tư công, Quốc hội yêu cầu đẩy nhanh giải ngân từ đầu năm, tăng phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, không để đầu tư dàn trải, manh mún. Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy nhanh đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tới 2025, nhất là xử lý các ngân hàng yếu kém.
"Thu hồi, bỏ các dự án không làm theo kế hoạch, chưa cần thiết để dành nguồn lực ngân sách cho các công trình kết nối quốc gia. Địa phương dùng nguồn lực để đầu tư dự án kết nối vùng, với tinh thần "địa phương quyết, làm và chịu trách nhiệm", theo Nghị quyết của Quốc hội.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ có giải pháp mạnh hơn trong tháo gỡ thể chế, vướng mắc để phục hồi và phát triển các loại thị trường, nhất là thị trường vàng, trái phiếu và bất động sản.
Về cung ứng điện, Chính phủ cần thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, sửa Luật Điện lực và trình cấp có thẩm quyền báo cáo khởi động lại điện hạt nhân và năng lượng tái tạo, hydrogen.
Tại phiên chất vấn chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi; trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Điện lực. Việc này nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện.
Anh Minh