Tôi ngạc nhiên khi người Nhật nhấn ga vượt đèn vàng

30/12/2024
|
0 lượt xem
Thời Sự Ý Kiến
Tôi ngạc nhiên khi người Nhật nhấn ga vượt đèn vàng

Xung quanh những tranh luận về thí điểm bỏ đếm giây trên đèn giao thông tại 4 giao lộ lớn ở TP HCM, tôi thấy có nhiều người hiểu không đúng về cơ chế hoạt động cũng như giá trị của đèn giao thông.

Đầu tiên, phải hiểu đúng về cơ chế hoạt động của đèn giao thông. Nhiều người sẽ nghĩ là nếu đèn hướng (Đông - Tây) chuyển sang đỏ thì có nghĩa là đèn bên hướng (Nam - Bắc) sẽ chuyển xanh. Điều này không đúng. Đèn giao thông có yêu cầu thiết kế đó là bên Đông - Tây chuyển sang đỏ thì sau đó vài giây bên Nam - Bắc mới chuyển qua xanh.

Lý do là cần thời gian để người chạy hướng Đông - Tây thoát hết ra khỏi giao lộ. Tùy theo độ lớn của giao lộ mà "vài giây" này sẽ nhiều - ít khác nhau. Nên những người cố chạy khi gần hết đèn xanh hoàn toàn không sai về luật. Chỉ cần còn 1 giây mà họ vượt qua vạch dừng thì cũng không sai. Vì họ sẽ có đủ thời gian thoát ra giao lộ theo tính toán của nhà quản lý. Luật cho phép đèn xanh được đi, dù chỉ còn 1 giây đồng hồ.

Mọi người thường được khuyên giảm tốc độ khi tới giao lộ hay giảm tốc độ khi còn 2-3 giây đèn xanh và rất nhiều người đánh giá cao hành vi này, kể cả tôi ngày trước. Lúc mới sang Nhật Bản, thấy ôtô vào giao lộ phóng ầm ầm, không hề giảm tốc độ, tôi cũng không hiểu tại sao một đất nước nổi tiếng về ý thức và kỷ luật thế này mà người dân lại phóng nhanh khi đến giao lộ như thế?

Nhưng giờ ở lâu tại Nhật, tôi dần hiểu ra là việc giảm tốc độ đó là không cần thiết, thậm chí còn vô tình gây ùn ứ giao thông. Thay vào đó, việc cần làm rất đơn giản, đó là tuân thủ tín hiệu đền: xanh thì đi, đỏ thì dừng, vàng cũng dừng nếu không gây nguy hiểm cho người phía sau.

>> 'Chẳng biết nên đi hay dừng khi TP HCM bỏ đếm giây trên đèn giao thông'

Thêm nữa, có nhiều người hiểu sai về ý nghĩa của đèn vàng. Hầu hết chúng ta thường nghĩ "cứ vượt đèn vàng là bị phạt", nhưng điều đó không đúng. Khi đèn chuyển vàng, người điều khiến phương tiện phải tiến hành dừng xe. Tuy nhiên, trong trường hợp việc dừng xe gây nguy hiểm cho bản thân và người khác như phải phanh gấp, thì việc cần làm là tiếp tục di chuyển và thoát khỏi giao lộ.

Nếu tuân thủ đúng luật: đỏ dừng, xanh đi, vàng dừng (nếu đảm bảo an toàn) hoặc đi tiếp để thoát giao lộ (nếu không an toàn), cộng thêm việc tính toán thời gian hợp lý cho từng giao lộ, thì vấn đề ùn ứ chắc chắn sẽ giảm.

Cuối cùng là về bộ đếm giây. Tôi thấy ưu điểm lớn nhất của hệ thống này chỉ là cho người tham gia giao thông thêm một thông tin tham khảo rằng đèn sắp chuyền màu hay chưa mà thôi. Còn cái chính vẫn là dựa vào quy tắc ba đèn xanh, đỏ , vàng.

Nếu thêm bộ đếm giây vào, tôi thấy có nhược điểm là khi đèn đỏ đếm ngược còn 3-4 giây, nhiều người tham gia giao thông đã vội vã cho xe tiến vào giao lộ, và đó là một nguyên nhân chính gây xung đột giữa hai dòng xe từ hai hướng. Nhiều người nghĩ rằng chính những người cố vượt 3 giây đèn xanh cuối là nguyên nhân gây xung đột giao thông, nhưng tôi không nghĩ vậy. Họ không chạy sai tín hiệu như đã nói ở trên.

Hy vọng ý kiến của tôi sẽ cho nhiều người tham khảo thêm một góc nhìn khác về một vấn đề mà mọi người vẫn nghĩ là cách hành xử trước giờ của mình là đúng. Đồng thời, mong rằng các nhà quản lý, cơ quan chức năng có thêm cơ sở để tiếp tục thực hiện đề án thí điểm bỏ đếm giây trên đèn giao thông.

Thu BN

7-8 lượt đèn xanh mới qua được ngã tư Hà Nội Vòng xoay hiệu quả hơn đèn giao thông? Giải bài toán tắc đường ở Đà Lạt không cần đèn giao thông Lắp đèn ưu tiên để giảm tắc nghẽn cầu cạn Ngã Tư Sở Một tài xế vi phạm, cả ngã tư hỗn loạn Tôi ân hận vì nhường đường cho cô gái vượt đèn đỏ 7-8 lượt đèn xanh mới qua được ngã tư Hà Nội Vòng xoay hiệu quả hơn đèn giao thông? Giải bài toán tắc đường ở Đà Lạt không cần đèn giao thông Lắp đèn ưu tiên để giảm tắc nghẽn cầu cạn Ngã Tư Sở Một tài xế vi phạm, cả ngã tư hỗn loạn Tôi ân hận vì nhường đường cho cô gái vượt đèn đỏ
Tin liên quan
Tin Nổi bật